Mới nghe tới ăn năn, nhiều người vội nghĩ ngay tới chuyện... sám hối. Nhưng không phải, năn là một loại cỏ có đọt non được làm rau sạch, ăn rất ngon!
Gần đây ở Bạc Liêu phong trào nuôi tôm phát triển, người ta “sàng lọc” ở những ruộng nuôi tôm quảng canh và trồng năn thì năng suất tôm rất cao. Thế là người ta đổ xô trồng năn trở lại. Vừa nâng cao năng suất tôm vừa có có đọt năn bán hàng ngày. Từ đó ở các chợ huyện chợ tỉnh có rất nhiều người đi hái đọt năn để bán.
Năn là một loại rau sạch lại giúp ruộng tôm tăng năng suất, trở thành thứ cây trồng thời thượng tại Bạc Liêu
Cách đây một tháng tôi có đi xã Vĩnh Hưng, một vùng quê xa lắc của tỉnh Bạc Liêu rồi ghé thăm mẹ của một người bạn. Thấy có khách quý, bà già “móc ruột” ra đãi bằng món đặc sản của đồng quê, đọt năn ba món; năn xào thịt trâu, năn chấm mắm kho, năn làm dưa chua. Những món ăn cũ còn in trong ký ức lâu ngày.
Trước, có những lúc mảnh ruộng năn “lấn” lúa đến lúa mọc không nổi. Thế nhưng năn mọc đến đâu là hình thành hệ sinh thái rất lạ đến đó và có những lợi ích khác. Những nơi nhiều năn là những vùng đất rất giàu sản vật của đồng đất như: cá đồng, lươn, rùa, rắn…
Đối với trẻ chăn trâu vùng Bạc Liêu ngày xưa thì đồng năn đã đỡ đần họ nhiều lắm. Tháng 7 – 8 âm lịch là lúc năn cao đến lưng quần, cũng là lúc trâu làm xong mùa, người ta thả trâu vào đồng ăn cỏ năn không phải lo thức ăn cho chúng, đó cũng là lúc chim cò về xây tổ và trú ngụ rất nhiều. Tôi còn nhớ chim cò dạn dĩ như gà, đặc biệt là rất nhiều chim chích, vì chúng rất khoái ăn đọt năn. Nào chích cồ, chích ghé… Chỉ cần ra đồng nhặt một hồi là cả nón trứng chích, trứng cò. Dân chăn trâu thì toàn con nhà nghèo, bữa cơm thường là cơm vắt mắm đồng. Hay có bữa chỉ có keo nước mắm biển. Nhưng chẳng lo gì. Có mắm chưng thì tước đọt năn chấm mắm, còn nước mắm mặn thì luộc trứng chim giằm nước mắm ăn với đọt năn cũng no. Năn rất dễ ăn và vì ngày xưa vùng Bạc Liêu nơi nào cũng có năn mọc nên hầu hết dân nông thôn đều biết ăn năn, thế cho nên người ta sáng tạo ra nhiều cách ăn đọt. Năn ăn sống, năn xào, năn nấu canh, thậm chí đến năn làm dưa chua.
Chưa hết, đến tháng 11 – 12 âm lịch đồng khô năn chín sang vàng úa rồi lụi tàn, lũ trẻ trong làng vẫn có thể kiếm được cái ăn từ đám năn. Đó là lúc năn xuống củ, ta dùng vá đào lên dưới bụi năn héo là những chùm củ. Củ năn ăn tươi cũng được, luộc ăn cũng được cách nào thì củ năn ăn cũng rất ngon, có người làm bánh từ bột củ năn. Lúc năn xuống củ là lúc củ năn gọi lũ chuột đồng và chuột không biết ở đâu kéo về những đồng năn để ăn củ rất nhiều. Thế là dân những vùng nông thôn kéo ra bắt chuột trên những cánh đồng năn theo cách bắt “dậm cù”. Tức là họ dậm theo vòng tròn đặt lọp vào… nhưng cứ thế dậm dần cho đến khi chuột không còn chỗ trú đành chui vào rọ. Những lần bắt chuột như thế chuột nhiều đến quảy không nổi.
Cách đây vài thập niên, phong trào làm lúa cao sản tăng vụ với khoa học diệt cỏ đã đẩy những cánh đồng năn đến chỗ diệt vong. Chẳng những người có ký ức về đồng ruộng thích ăn mà cả dân thị thành cũng tìm mua ăn. Bởi năn vừa ngon vừa là một loại rau sạch.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Nhận xét
Đăng nhận xét