Xác định tính mạng con người là trên hết, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng yêu cầu các địa phương khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn.
Chiều 24/12, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương và đoàn công tác của Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với các sở, ngành đã kiểm tra công tác phòng, chống bão tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải.
Đây được dự báo là một trong những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 16.
Khoảng 8.000 người ở tâm bão Gành Hào
Ông Nguyễn Quang Dương đánh giá người dân còn chủ quan trong việc ứng phó với bão. Từ đó, Bí thư Bạc Liêu đề nghị chính quyền địa phương phải ưu tiên tính mạng người dân là trên hết, nên cần phải di dân ngay.
"Nếu người dân chưa hiểu thì bắt buộc người dân phải đi. Người dân có thể không hài lòng, nhưng vì tính mạng, sức khỏe của họ nên cần phải thực hiện theo kế hoạch. Để xảy ra rồi thì hậu quả khó lường", ông Dương nhấn mạnh.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra công tác phòng chống bão ven biển. Ảnh: Nhật Tân. |
Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Bùi Minh Túy cho biết khu vực thị trấn Gành Hào có khoảng 2.000 hộ dân với khoảng 8.000 người (trong đó khoảng 5.000 người già, phụ nữ, trẻ em) cần phải di tản.
"Khó khăn hiện nay là nếu nước biển dâng cao từ 2-3 m thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho khu vực bên trong. Hiện, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương di dân đến khu vực an toàn ngay trong đêm nay và phải hoàn thành trước 12h trưa 25/12", ông Túy nói.
Cũng theo ông Túy, địa phương đã cử lực lượng chức năng liên tục đến từng hộ để vận động người dân tự ý thức trong công tác ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Tại Kiên Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết địa phương đã kêu gọi trên 6.590 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão.
Hiện còn 270 tàu thuyền đang trên đường vào nơi neo đậu tại Thổ Chu và Phú Quốc. Tỉnh cũng lên kế hoạch di dời 225.385 người dân đến nơi an toàn.
Tàu thuyền vào sông Dương Đông ở Phú Quốc (Kiên Giang) để trú bão. Ảnh: Anh Thy. |
"UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho học sinh sinh viên nghỉ học vào hai ngày 25 và 26/12. Ngưng hoạt động các tàu thuyền trên các biển, các tàu vận chuyển hàng hải, tàu chở khách đi Phú Quốc và Nam Du, Lại Sơn…. và ngược lại", lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang nói.
Sơ tán được gần 40.000 người
Trao đổi với Zing.vn tối 24/12, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết đến 17h cùng ngày, các địa phương ven biển đã sơ tán được 26.964 người trong tổng số 145.107 người phải sơ tán đợt đầu.
Số còn lại tiếp tục được sơ tán dứt điểm trước 10h ngày 25/12.
"Nếu bão đổ bộ vào Bạc Liêu thì chúng tôi sơ tán tổng cộng khoảng 350.000 người. Gành Hào được cho là nơi ảnh hưởng trực tiếp nếu bão đổ bộ", ông Trung nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết các huyện Long Phú, Trần Đề, Kế Sách, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu đang di dời dân đến nơi an toàn. Theo kế hoạch, Sóc Trăng có khoảng 27.000 phải sơ tán trước 12h ngày 25/12.
"Chúng tôi đang di dời dân quyết liệt. Huyện Trần Đề được trên 5.000, Cù Lao Dung 2.500, Kế Sách 2.400, Vĩnh Châu 2.000 và Long Phú 13 người. Số còn lại đến trưa mai phải xong và người dân được vận động tránh bão đã chấp hành rất tốt", ông Chuyện chia sẻ.
Người dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng) neo đậu tàu thuyền để tránh bão vào chiều 24/12. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ghi nhận của Zing.vn, chiều tối 24/12, hàng trăm tàu thuyền của nhiều tỉnh đã vào khu vực tránh, trú bão gần cảng Trần Đề của huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ông Huỳnh Văn Kiển (63 tuổi, ngụ ấp Cảng, thị trấn Trần Đề) cho biết trên chục tàu đánh cá của ông đã về đến nơi an toàn.
"Bão Linda 20 năm trước tôi có một chiếc tàu với 17 thuyền viên mất tích. Khi đó không có thông tin liên lạc, còn bây giờ hệ thống liên lạc thông suốt, nghe tin bão là cả đoàn ghe từ Côn Đảo chạy vào đất liền từ chiều hôm qua", ông Kiển nói.
Anh Trần Văn Thanh (32 tuổi, ở huyện Bình Đại, Bến Tre) theo ghe đánh lưới đèn ở Sóc Trăng ra khơi được 50 ngày. Theo kế hoạch khoảng 70-75 ngày tàu mới vào cảng Trần Đề nhưng khi nghe tin bão thì thuyền trưởng đã vào bờ sớm hơn so với kế hoạch.
"Về đến đất liền an toàn là mừng nhưng gấp quá nên chủ tàu chưa kịp chia tiền cho anh em. Giờ đang nhờ anh em mượn tiền đi xe ôm về quê", anh Thanh nói.
Theo Zing
Nhận xét
Đăng nhận xét