Tập đoàn Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Thuận, nổi tiếng với dự án xây sân bay Phan Thiết theo hình thức BOT.
Ông Nguyễn Văn Đông - đại gia kín tiếng nắm trong tay nhiều dự án khủng
Những ngày đầu năm 2018, vấn đề về những trạm thu phí BOT tưởng chừng đã dịu bớt lại được dịp nóng lên với câu chuyện tại các tỉnh miền Tây như BOT Bạc Liêu, BOT Sóc Trăng...
Sau khi vấp phải sự phản đối của người dân quang trạm thu phí và đối mặt với điệp khúc thu phí - xả trạm liên tục, chủ đầu tư đã chấp nhập giảm giá vé cho người dân.
Theo cổng thông tin vụ Đối tác công - tư (bộ GTVT), dự án BOT Sóc Trăng do công ty TNHH BOT QL1 Sóc Trăng làm chủ đầu tư có chiều dài 16,22km, khởi công ngày 28/12/2015, bắt đầu thu phí từ ngày 1/8/2016 và dự kiến hoạt động trong 18 năm 2 tháng 21 ngày. Nhà đầu tư được đặt trạm thu phí hoàn vốn tại Km2132+250, QL1. Giá phí dao động từ 25.000 đến 140.000 đồng. Lộ trình tăng phí 18%/3 năm.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 85%, vốn tự có của nhà đầu tư là 15%, tương đương 207 tỷ đồng.
Theo tài liệu của PV Người Đưa Tin, cả hai công ty BOT QL1 Sóc Trăng (vốn 225 tỷ đồng) và BOT QL1 Bạc Liêu(vốn 100 tỷ đồng) đều do công ty CP Đầu tư Phương Nam (do ông Nguyễn Văn Phương làm đại diện) và công ty CP Đầu tư Pacific góp vốn thành lập, tỉ lệ 60-40.
Mới đây nhất, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 30/12/2014, công ty CP Đầu tư Phương Nam sở hữu 90% vốn tại BOT Sóc Trăng và công ty CP Đầu tư Pacific sở hữu 10% vốn. Bởi vậy, có thể xem trạm BOT Sóc Trăng thuộc sở hữu của công ty CP Đầu tư Phương Nam. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, là thành viên của công ty CP Rạng Đông (tập đoàn Rạng Đông) chuyên đầu tư các dự án BOT. Ngoài hai dự án BOT kể trên còn có dự án BOT Bình Thuận.
Việc góp vốn vào nhiều dự án BOT có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng khiến công ty CP Đầu tư Phương Nam từng bị thanh tra bộ GTVT xác định là không đủ nguồn lực tài chính và không góp đủ vốn theo hợp đồng cam kết.
Về phía tập đoàn Rạng Đông, đây là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Văn Đông. Được thành lập từ năm 1991, cho đến nay, tập đoàn Rạng Đông đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Thuận, hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, khai khoáng, bất động sản, kinh doanh resort.
Một số dự án lớn do Rạng Đông làm chủ đầu tư như quần thể Sea Links Golf-Hotel-Villa (Sea Links City) rộng 154 ha sang trọng bậc nhất miền Trung tại Phan Thiết, Bình Thuận, bao gồm sân golf 18 lỗ, khách sạn 5 sao 188 phòng, khu biệt thự Royal Hill 187 căn và khu căn hộ cao cấp Ocean Vista có địa thế "ỷ sơn hướng hải"...
Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết theo hình thức BOT.
Năm 2015, ông chủ của tập đoàn Rạng Đông từng gây bão dư luận khi có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin được đầu tư hạng mục hàng không dân dụng tại dự án sân bay Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.640 tỷ đồng trên quy mô 542ha, dự kiến xây dựng trong 36 tháng kể từ tháng 1/2015. Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tham gia mảng đầu tư còn mới mẻ này. Đây sẽ là sân bay dân dụng và quân sự kết hợp, có chức năng phục vụ bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn…
BOT Sóc Trăng mỗi tháng lỗ 3 tỷ đồng
Người dân múa lân diễu hành phản đối trạm BOT Sóc Trăng.
Ngày 8/1, tại buổi họp báo về BOT Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định từ khi đi vào hoạt động thu phí đến nay hơn 6 tháng, trung bình mỗi tháng chủ đầu tư phải bù lỗ hơn 3 tỷ đồng. "Với tinh thần là nhà đầu tư, chúng tôi rất minh bạch về dự án. Riêng về giá phí là thấp nhất trên toàn tuyến Quốc lộ 1", ông Phương nói.
Ngày 10/1, người dân và tài xế đã đâm hỏng thanh chắn barie để qua trạm BOT Sóc Trăng, tổ chức múa lân diễu hành phản đối chủ đầu tư thu phí.
Ngày 11/1, Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật đã ký công văn về việc giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện Trạm thu phí BOT Sóc Trăng.
Bộ GTVT chấp thuận chủ trương miễn 100% đối với các loại xe buýt, các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh: giảm 50%, trường hợp đặc biệt giảm 100% trên cơ sở xem xét nếu đảm bảo khả thi về phương án tài chính, các loại phương tiện khác giảm 20%
Đối với văn bản đề nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng trong văn bản ngày 8/1, đề nghị giảm tất cả các phương tiện mang biển kiểm soát của tỉnh, bộ GTVT nêu rõ vì ảnh hưởng nhiều đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án nên chưa áp dụng.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét